Lối đi cho cây dược liệu - Bài cuối: Hướng đến quy hoạch vùng
Thứ Sáu, 28/02/2014, 07:44 [GMT+7]
Cuối tháng 10.2013, Quyết định số 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã mở ra hướng đi mới cây dược liệu. Ở Quảng Nam, cây dược liệu đang được hướng đến quy hoạch vùng.
Người dân Tiên Phước thu hoạch cây dược liệu. Ảnh: T.NGA |
Nguồn thảo dược phong phú
Quảng Nam có các vùng tiểu địa hình và khí hậu khá đa dạng. Bởi vậy, trong thành phần các loài cây thuốc phát hiện cũng hội tụ đủ các yếu tố thực vật của các vùng. Trước đây, vùng dược liệu của tỉnh đã được điều tra, đánh giá trên diện rộng tại nhiều địa phương. Với sự phối hợp và giúp đỡ của Viện Dược liệu (Bộ Y tế), trong 2 năm 2002 - 2003, Quảng Nam đã điều tra và lập danh mục, xác định tên của 832 loài dược liệu, thuộc 190 họ thực vật. Trong đó, vùng Trà My có số lượng loài làm thuốc lớn nhất với 710 loài. Về tiềm năng trong việc cung cấp các loại dược liệu sử dụng theo kinh nghiệm của y học cổ truyền, có 43 loài và nhóm loài là những cây thuốc được sử dụng phổ biến và có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, qua các đợt điều tra về dược liệu, trên địa bàn tỉnh cũng đã phát hiện thêm 4 loài cây thuốc chưa có tên trong hệ thực vật Việt Nam cũng như danh mục cây thuốc Việt Nam, đó là: dù dẻ đỏ, khế đất, gờ rồng (theo tiếng Cơ Tu) và ba chạc lá đỏ. Riêng cây ba kích không phải là cây thuốc mới nhưng đây là cây thuốc quý đã được ghi nhận ở miền Nam Việt Nam, hiện được quy hoạch ở huyện Tây Giang. Ngoài ra, những cây thuốc quý hiếm khác của Quảng Nam cũng đã được đánh giá cao như sâm Ngọc Linh, đẳng sâm, ngũ vị tử, nữ lang, hoàng đằng, quế, lười ươi (ươi)… Tuy không chính thức điều tra sâu ở vùng đồng bằng ven biển, nhưng trên địa bàn Quảng Nam cũng đã tìm thấy một số loài được coi là tiềm năng như: mạn kinh biển, sa sâm nam, dành dành. Trong tổng số 832 loài cây thuốc đã phát hiện, có tới hơn 60% số loài mọc tự nhiên trong các quần xã rừng, đồi, nương rẫy và quanh làng bản. Số cây trồng thuộc nhóm cây ăn quả, cây lương thực, cây làm rau và cây cảnh… có bộ phận làm thuốc chỉ có khoảng 100 loài.
Thêm vào đó, nhu cầu sử dụng thảo dược ở địa phương khá lớn. Với mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền từ tỉnh đến xã, tỷ lệ bệnh nhân được khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền hiện nay đã chiếm đến 21%. Số người dân sử dụng cây thuốc để chữa bệnh ngày càng cao, đòi hỏi cần phải có lượng thảo dược lớn. Thống kê tại Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh và các đơn vị khám chữa bệnh trong tỉnh cho thấy, số dược liệu dùng chữa bệnh mỗi năm gần 100 tấn. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát triển vùng dược liệu trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết.
Lợi cả đôi đường
Định hướng bảo tồn và phát triển cây dược liệu theo hướng quy hoạch vùng sẽ không chỉ bảo vệ sức khỏe người dân mà còn đem lại hiệu quả thoát nghèo. Ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế nói: “Để phát triển diện tích đảm bảo nguồn cung cấp, cần phát huy thế mạnh cây dược liệu, đầu tư công nghệ chế biến sau thu hoạch, xây dựng thương hiệu và tìm thị trường tiêu thụ ổn định. Đây là hướng đi đúng, có tính khả thi trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng nhằm đem lại lợi ích kinh tế cao, tăng tính ổn định bền vững. Làm điều này, Quảng Nam cần nguồn lực để bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý hiếm ở địa phương mình. Trên cơ sở đã phân tích thực trạng phát triển ngành dược liệu, việc xây dựng đề án “Bảo tồn và phát triển cây dược liệu ở Quảng Nam giai đoạn 2013 - 2020” là hết sức cấp bách”.
Hiện nay Quảng Nam có 3 vùng cơ bản với các loại cây chủ lực: Trà Linh (Nam Trà My) đang trồng sâm Ngọc Linh; Tây Giang đang trồng cây ba kích, Tiên Phước với cây quế. Nghiên cứu của Viện Dược liệu thực hiện trên địa bàn Quảng Nam cho biết có 36 loài cây thuốc hiện nằm trong “Sách đỏ Việt Nam”, trong đó đáng chú ý là: sâm Ngọc Linh, ba kích, bảy hoa một lá, châu thụ, hoàng liên ô rô, ngân đằng, ngũ gia bì gai, cỏ nhung. Đề án bảo tồn cây dược liệu của tỉnh định hướng quy hoạch vùng khai thác và số lượng loài khai thác trong giai đoạn tới là 30 loài và quy hoạch 8 vùng khai thác theo vị trí địa lý. Nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế - Dược sĩ Đặng Ngọc Phái khẳng định: “Tôi hoàn toàn đồng ý với việc thành lập Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam. Đây là một hướng đi đúng đắn, bảo vệ nguồn tài sản vô giá sẵn có của tỉnh. Đây là cây thuốc điều trị các bệnh hiểm nghèo, là cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào miền núi cao”. Không chỉ riêng sâm Ngọc Linh hay cây ba kích, mục đích xây dựng Trại Dược liệu của tỉnh làm nơi tập trung, bảo tồn và trồng mới nhiều loài cây thuốc được thu thập ở nhiều địa phương khác nhau không chỉ bảo tồn mà còn phát triển nguồn gen thuốc quý. “Tuy nhiên, để triển khai có hiệu quả công tác bảo tồn và phát triển vùng dược liệu trên địa bàn tỉnh cần có một lộ trình cụ thể. Đề án vẫn đang trong giai đoạn chờ được phê duyệt. Theo tính toán thực tế, đất trồng dược liệu cho giá trị kinh tế cao gấp 2 - 3 lần trồng lúa, trong khi việc chăm sóc lại nhàn hạ hơn. Phát triển trồng cây thuốc sẽ giúp cho nhiều vùng nông thôn, miền núi xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội” - ông Nguyễn Văn Hai nói.
TÂM AN
,