Hiện nay, tại các bệnh viện chuyên về Đông y hoặc các phòng khám tư, phương pháp châm cứu trị stress đang thu hút được nhiều bệnh nhân. Đó là bởi châm cứu được biết đến với nhiều công dụng, không chỉ trong nước mà cả trên thế giới. Tuy nhiên, liệu châm cứu có giảm được stress?
Được nhiều phương tiện truyền thông ca ngợi nên nhiều bệnh nhân đang đổ xô đến các cơ sở châm cứu để mong giảm stress, thêm niềm vui.
Anh Hùng, 28 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Mỗi khi cảm thấy mệt mỏi thì tôi thường giải tỏa bằng cách đi chơi bi-a, tennis, gặp bạn bè uống bia rượu nhưng đôi khi mệt mỏi vẫn kéo dài 3-4 ngày. Từ khi có bạn mách về phương pháp châm cứu, tôi đã tìm đến bệnh viện. Liệu trình của tôi kéo dài 20 ngày, tôi thấy đỡ hẳn, làm việc hiệu quả hơn”.
Còn chị Nguyễn Thu Ngọc, ở Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội thì nói về lý do châm cứu của mình như thế này: "Mình hay phải uống thuốc trị tâm thần, mà đã là thuốc thì đều có tác dụng phụ. Do đó khi có người nói về phương pháp trị stress bằng châm cứu, mình đã tìm đến. Mình mới thực hiện 10 lần, tình trạng mới thuyên giảm chút ít, nhưng tạo cho mình cảm giác yên tâm."
Nhiều người đã đua nhau tìm đến châm cứu như vị cứu tinh để chữa liệt, giảm cân, và đáng chú ý là phòng và điều trị stress… Trên thế giới, ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ, châu Úc đều có các trung tâm điều trị và phòng ngừa stress.
Đặc biệt, ở Mỹ còn có học viện chuyên nghiên cứu về stress đã sử dụng tư vấn và y học cổ truyền nói chung (châm cứu nói riêng) là phương pháp hàng đầu để ngăn ngừa và điều trị stress một cách hiệu quả. Tại Việt Nam, phương pháp châm cứu để phòng và điều trị stress cũng nhận được sự quan tâm của rất nhiều người.
Được y học hiện đại đánh giá cao
Về tác dụng của châm cứu đối với những rối loạn liên quan đến stress, Th.S – Bác sĩ Dương Minh Tâm – Trưởng khoa Những rối loạn liên quan đến stress, Viện sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai, cho biết: “Về mặt tâm lý, cốt lõi vẫn phải chữa tâm lý là chính. Trong điều trị tâm lý thì có nhiều phương pháp. Bác sỹ có thể dùng thuốc hỗ trợ và các phương pháp theo y học cổ truyền.
Trong phương pháp dùng thuốc, nếu quá lạm dụng sẽ khiến người bệnh bị phụ thuộc vào thuốc gây nghiện thuốc. Phương pháp theo y học cổ truyền như châm cứu chẳng hạn sẽ rất tốt trong quá trình điều trị những rối loạn liên quan đến stress. Châm cứu giúp cho khí huyết lưu thông khắp cơ thể thông qua hệ kinh lạc giúp ngăn ngừa sstress.
Một nghiên cứu của trường Đại học California, Mỹ chỉ ra rằng châm cứu tác động lên hệ thần kinh giao cảm làm giảm huyết áp, nhịp tim và làm cơ bắp được thư giãn nên giảm stress. Học viện chuyên nghiên cứu về stress ở Mỹ cũng đang đẩy mạnh việc áp dụng các phương pháp của y học cổ truyền, trong đó có châm cứu vào điều trị stress.
Trung tâm y tế ĐH Georgetown, Mỹ cũng đã tiến hành nghiên cứu về phương pháp châm cứu trên chuột. Kết quả cho thấy nồng độ protein neuropeptide Y (PNY – liên quan tới stress) ở các con chuột bị stress và được châm cứu đã giảm bằng những con chuột không bị stress. Trong khi đó nồng độ PNY ở chuột đang stress mà không được châm cứu vẫn cao.
Ngoài ra, châm cứu làm tăng tiết hormone cortisol, tăng đào thải chất cạn bã, làm ổn định trục nội tiết Dưới đồi - Tuyến yên - Tuyến thượng thận để điều hoà sản xuất hormone. Điều đó nhằm ổn định những đáp ứng thể chất và tinh thần tránh cho cơ thể bị ảnh hưởng bởi mệt mỏi, căng thẳng, lo âu.
Do đó, châm cứu là một trong những biện pháp hỗ trợ điều trị tâm lý gián tiếp tốt nhất để điều trị những vấn đề liên quan đến stress.