HỘI ĐÔNG Y THÀNH PHỐ HỘI AN

HỘI ĐÔNG Y THÀNH PHỐ HỘI AN

12 thg 8, 2023

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH , PHÁT TRIỂN NỀN ĐÔNG Y VIỆT NAM VÀ HỘI ĐÔNG Y THÀNH PHỐ HỘI AN





               QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH - PHÁT TRIỂN NỀN ĐÔNG Y VIỆT NAM

                                                    VÀ HỘI ĐÔNG Y VIỆT NAM.

                           ( HỘI ĐÔNG Y THÀNH PHỐ HỘI AN KỶ NIỆM 77 NĂM

                                   NGÀY THÀNH LẬP HỘI ĐÔNG Y VIỆT NAM)

                                            (22 /8/1946- 22/8/2023)

          Nền Đông y Việt Nam được hình thành, tồn tại và phát triển cùng với lịch sử phát triển của đất nước, dân tộc Việt Nam, bao gồm những tri thức về y, dược học cổ truyền dân tộc, y học dân gian và y học kinh nghiệm. Tích lũy và phát triển không ngừng từ thực tiễn lao động, đấu tranh với thiên tai dịch họa.

  Từ thuở vua Hùng dựng nước, tổ tiên ta đã biết sử dụng 100 vị thuốc và châm cứu để chữa bệnh. Trong nền văn minh Văn Lang và văn minh Đại Việt những y lý và y thuật dựa trên nền tảng của sự kết hợp lý luận y học phương Đông (Đông y) với các kinh nghiệm chữa bệnh của cộng đồng gồm 54 dân tộc Việt Nam cùng với kinh nghiệm sử dụng các nguồn dược liệu phong phú của đất nước trong vùng nhiệt đới tạo thành một nền y học truyền thống.

Là một bộ phận di sản văn hóa dân tộc, trải qua hàng nghìn năm tồn tại và phát triển, nền Đông y luôn gắn liền với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại, hào hùng của dân tộc. Đóng góp công sức vào việc chăm sóc bảo vệ sức khỏe, giữ gìn giống nòi dân tộc Việt Nam.

   Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quí báu đã được tổng kết thành y văn lưu truyền cho các thế hệ hôm nay. Khi nền y học hiện đại chưa du nhập, bằng các phương pháp y học cổ truyền các thầy thuốc cũng xông pha trận mạc để cầm giữ lại từng giọt máu, bảo tồn mạng sống cho binh sĩ không may bị ngọn giáo của quân thù làm rách thịt, rạn xương

  Đầu thế kỷ thứ 11 Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long đã lập ra Ty Thái y, đây là dấu ấn đầu tiên đánh giá vai trò, vị trí, sự cần thiết và trưởng thành nền Đông y Việt Nam với nhiệm vụ của đất nước.

Từ đó, Đông y Việt Nam đã phát huy được vai trò của mình trong phòng, chữa bệnh, chống dịch, nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Hệ thống mạng lưới Đông y trong cả nước đã  được củng cố và phát triển. Những thầy thuốc Đông y giỏi hóa Nho thành Y đã được tập hợp để chữa bệnh, sưu tầm dược liệu, viết sách để lại cho hậu thế.

          Những thầy thuốc Đông y nổi danh thông qua trước tác còn lưu giữ được, điển hình như thời nhà Lý có Nguyễn Chí Thành đã dùng tâm lý liệu pháp chữa cho Lý Thần Tông khỏi bệnh ; thời nhà Trần có Thiền sư Tuệ Tĩnh với tác phẩm Nam Dược Thần Hiệu và Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư, Chu Văn An  với tác phẩm Y Học Yếu Giản Tập Chú Di Biên ; thời nhà Hồ là Nguyễn Đại Năng với Châm Cứu Tiệp Hiệu Diễn Ca ; thời Hậu Lê có các tác phẩm của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Đào Công Chính, Phạm Công Bân, Nguyễn Trực. Đặc biệt Hoàng Đôn Hòa với tác phẩm Hoạt Nhân Toát Yếu bàn về tổ chức y tế quân đội. Thời kỳ này bộ luật Hồng Đức ra đời có đặt quy chế về nghề y với nội dung : Trừng phạt thầy thuốc kém đạo đức và ban hành quy chế pháp y khám án mạng tử thi. Thời Tây Sơn có Nguyễn Gia Phan, Nguyễn Quang Tuấn ; thời nhà Nguyễn có Nguyễn Quang Lương, Lê Đức Huệ v.v...

Từ thế kỷ 13 đến thế k 19 đã có 59 danh y để lại cho nước nhà 61 tác phẩm y học với đầy đủ lý pháp, phương dược, các sách bệnh học Đông y, dược liệu, bào chế, chế biến thuốc, châm cứu, dưỡng sinh. Đặc biệt là đã viết rất kỹ về y đức, trách nhiệm của người thầy thuốc với người bệnh thành những điều y huấn cách ngôn.

   Năm 1885 sau khi xâm lược nước ta đến ngày 30 tháng 6 năm 1905 thực dân Pháp giải tán Ty lương y của nhà Nguyễn đồng thời cấm Đông y hoạt động nhưng các thầy thuốc Đông y nước ta vẫn khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho quân và dân ta bằng cây thuốc, vị thuốc sẵn có trên mọi miền của tổ quốc.

Năm 1920 các thầy thuốc Đông y và nhân dân đấu tranh đòi quyền được chữa bệnh bằng Đông y, đến năm 1935 chính quyền thực dân Pháp phải đồng ý cho các lương y Trung kỳ thành lập Đông y học hội. Năm 1939 cho thành lập tiếp Hội Đông y Bắc kỳ và cấp cho các lương y ở Nam kỳ 500 môn bài để hoạt động.

   Ngày 17 tháng 7 năm 1945 toàn quyền Pháp tại Đông dương lại ra lệnh cấm các lương y hoạt động khám chữa bệnh. Cách mạng Tháng tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngày 24 tháng 4 năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh 52 về thành lập các tổ chức hội, giao cho Bộ Nội vụ thực hiện. Thời điểm ấy Bộ trưởng Bộ Nội vụ là cụ Huỳnh Thúc Kháng, một chí sĩ yêu nước, người con của đất Tiên Phước, Quảng Nam.

 Ngày 22 tháng 8 năm 1946 Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Nghị định số 337/NĐ-NV cho phép thành lập Hội nghiên cứu Nam dược để chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

         Ngày 07 tháng 11 năm 1946 Hội nghiên cứu Nam dược đã gửi thư lên Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc mừng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập và mong muốn Chính phủ sớm đưa nước nhà đến hoàn toàn độc lập, thống nhất, phú cường và mong muốn Chính phủ tiếp tục giúp đỡ nhiều hơn nữa cho Hội nghiên cứu Nam dược để Hội tiến bộ, hợp với nguyện vọng của toàn dân.

 Thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, nhân dân ta lại tiếp tục cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc. Hội nghiên cứu Nam dược được đổi tên là Hội Đông y cứu quốc và sau đó Hội Đông y cứu quốc Nam bộ, Hội Đông y cứu quốc tỉnh Quảng Ngãi, Hội Đông y cứu quốc tỉnh Thanh Hóa lần lượt ra đời.

  Năm 1948 Bộ y tế đã thành lập Ban nghiên cứu Đông y. Các tỉnh thuộc liên khu 4 đã thành lập xưởng bào chế sản xuất các loại thuốc Đông y để chữa bệnh cho quân dân ta, như thuốc chữa cảm mạo, thuốc chữa sốt rét, thuốc chữa tiêu chảy và một số loại thuốc khác phục vụ quân đội và nhân dân trong kháng chiến.

 Ở Nam bộ các thầy thuốc Đông y đã xây dựng toa căn bản gồm 10 vị thuốc Nam để phổ biến cho nhân dân chữa 7 bệnh chứng thường gặp trong cộng đồng dân cư.

 Năm 1954 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, hòa bình được lập lại, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bắt tay đi vào xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Căn cứ sắc lệnh 102/SL-L004 ngày 20 tháng 5 năm 1957 của Chủ tịch nước, Bộ Nội vụ thay mặt Chính phủ ban hành Nghị định 399/NV-DC/NĐ ngày 03 tháng 6 năm 1957 cho phép tái thành lập Hội Đông y ở 32 tỉnh thành phố từ Vĩnh Linh trở ra với 4 cấp hội từ Trung ương đến cơ sở.

Ngày 15 tháng 3 năm 1961 Thủ tướng ban hành Chỉ thị 101/TTg “Về việc tăng cường công tác Đông y”.

Ngày 06 tháng 12 năm 1966 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 210-TTg/VG “Về việc khai thác, phát triển cây thuốc và động vật làm thuốc”.

  Ngày 19 tháng 02 năm 1967 Hội đồng Chính phủ ban hành Chỉ thị “Về việc tăng cường công tác nghiên cứu Đông y và kết hợp Đông y với Tây y”.

  Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ vượt Trường Sơn vào Nam đánh Mỹ, cán bộ, hội viên Hội Đông y Việt Nam đã tổ chức các lớp tập huấn ngắn ngày tại Chùa Bộc, Đống Đa,Hà Nội cho cán bộ chủ chốt của các đơn vị về cách nhận biết những cây thuốc sẵn có trong núi rừng trước khi vào chiến trường. Nhờ thế bộ đội ta đã vận dụng các cây thuốc đó để chữa các bệnh thường gặp như cảm sốt, bị rắn cắn, tiêu chảy, sốt rét, ho, đau nhức khớp và một số cây cầm máu khi bị thương. Đặc biệt là hướng dẫn về cách dùng một số cây để lấy nước uống hồi phục sức khỏe trong khi hành quân mệt nhọc.

 Tại chiến trường miền Nam các thầy thuốc Đông y đã sưu tầm và hướng dẫn các cây thuốc, vị thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho đồng bào và chiến sĩ ta khắp  mọi vùng  của các  tỉnh miền Nam. Nhờ đó  mà quân và dân ta  đã nâng caođược sức chịu đựng gian khổ trong rừng sâu núi cao, sình lầy và hầm tối mà vẫn đủ sức chiến đấu với quân thù.

  Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi, nước nhà hoàn toàn thống nhất. Ngày 19 tháng 10 năm 1978 Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị quyết 266-CP “Về việc phát triển y học dân tộc cổ truyền kết hợp chặt chẽ với y học hiện đại nhằm xây dựng nền y học Việt Nam”.

 Ngày 30 tháng 9 năm 1981 Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 118/CT-TW “Về việc củng cố tổ chức và tăng cường công tác của Hội y học cổ truyền (Hội Đông y) trong giai đoạn mới”.  Trong thời kỳ đổi mới Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 25/1999/TC/TTg ngày 30 tháng 8 năm 1999 “Về việc đẩy mạnh c  Ngày 03 tháng 11 năm 2003 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 222/QĐ-Ttg “Phê duyệt chính sách quốc gia về y dược học cổ truyền Việt Nam đến năm 2010”, trong đó có các chỉ tiêu cụ thể về khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền cho các tuyến : Trung ương 10%, tuyến tỉnh 20%, tuyến huyện thị 25%, tuyến xã phường 40%.

  Ngày 23 tháng 02 năm 2005 Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết 46/NQ-TW “Về công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”Trong nhiệm vụ và giải pháp nhấn mạnh : “Đẩy mạnh việc nghiên cứu thừa kế, bảo tồn và phát triển y dược học cổ truyền thành một ngành khoa học”.

Ngày 04 tháng 7 năm 2008 Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Chỉ thị 24/CT-TW “Về phát triển nền Đông y và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”. Trong 5 quan điểm chỉ đạo và 9 nhiệm vụ của Chỉ thị đã nêu rõ những công việc trước mắt và lâu dài của các cấp hội, của cán bộ, hộị viên, của các ban ngành cùng các cấp Ủy Đảng, Chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

 Ngày 01 tháng 11 năm 2010 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 68/QĐ-Ttg “Về quy định hội có tính đặc thù”, trong đó Hội Đông y là một  trong 28 hội được công nhận là hội có tính đặc thù của cả nước.

 Ngày 30 tháng 11 năm 2010 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2166/QĐ-Ttg “Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển y dược học cổ truyền Việt Nam đến năm 2020  Thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, Quyết định của Đảng và Chính phủ, cán bộ, hội viên Hội Đông y cả nước không ngừng phát huy sức mạnh của mình để củng cố tổ chức, thừa kế phát huy, phát triển nền Đông y. Đến nay 63/63 tỉnh thành trên cả nước đã có tổ chức Hội, tổng số hội viên trong cả nước lên đến  70.000 người, gồm trên 40 dân tộc, không phân biệt thành phần tôn giáo, các tầng lớp giai cấp trong xã hội Việt Nam.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam các khóa từ khóa III đến khóa XI luôn đánh giá cao vai trò của Đông y. Đảng chủ trương phát triển nền Đông y Việt Nam để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng.

Từ ngày y học hiện đại du nhập và phát triển trên đất nước, Đông y cũng luôn là bộ phận song hành trong công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân.

 Nền y tế thế giới nói chung trong đó có ngành y tế Việt Nam đến thời kỳ phát triển lớn mạnh, với các trang thiết bị tân tiến hiện đại nhất được áp dụng làm phương tiện thăm dò chẩn đoán, điều trị, đã giải quyết biết bao trường hợp bệnh hiểm nghèo, giành lại từng mạng sống con người từ tay tử thần thì bên cạnh có đội ngũ thầy thuốc Đông y công lập cũng như tư nhân đã góp phần chia sẻ, gánh vác bằng các phương pháp y học cổ truyền đã đem lại sự phấn khởi, thoải mái cho người dân bởi những tác nhân “trừu tượng” làm tổn thương cơ năng hoạt động gây ra đau đớn thân thể, giảm năng suất lao động, ảnh hưởng đến kinh tế, cuộc sống của gia đình và bản thân.

Nhiều vị có trình độ học thuật cao, kinh nghiệm tốt đã không quản ngại nhọc nhằn, không vì mục đích vụ lợi cá nhân đã đến tận những nơi xa xôi cô quạnh để kịp thời cứu chữa cho những nông dân chân lấm tay bùn, những người lao động giải nắng dầm mưa trên nương rẩy hay những mảnh đời bất hạnh lầm than không may mắc bệnh, đem lại niềm vui, sức sống cho bao gia đình. Phần lớn thầy thuốc Đông y thời đại bấy giờ sống cuộc sống thanh bần, đạm bạc.

Ngoài một số vị danh tiếng được lưu truyền đến ngày hôm nay, vẫn còn biết bao thầy thuốc giỏi đã để lại sự biết ơn, lòng thành kính của những con người cùng một thời rồi phai mờ dần theo năm tháng. Tên tuổi họ không được lưu truyền mãi trong ký ức cho đến thế hệ chúng ta. Bởi lẽ các thời đại phong kiến lúc bấy giờ việc vinh danh những thầy thuốc Đông y tài năng không được quan tâm khai thác sâu rộng, đánh giá đúng mức trong quần chúng nhân dân mà chỉ có một số vị thật danh tiếng thì được tuyển chọn vào nhằm phục vụ sức khỏe cho nội bộ triều đình của chế độ “cung cấm” đương

thời mà thôi. Trong những năm bị thực dân Pháp đô hộ thì vấn đề này đã không được đề cập mà còn bị kìm hãm, triệt phá.

  -Với một lý do khác nữa là các thầy thuốc đó giỏi tay nghề trên lâm sàng nhưng không có điều kiện trước tác y văn để lại cho đời sau.

Cùng với sự hình thành, phát triển nền Đông y Việt Nam, Quảng Nam cũng là một trong các tỉnh có truyền thống hoạt động y học cổ truyền từ lâu đời. Như chúng ta đã biết : Địa danh Quảng Nam được hình thành từ năm 1471,dưới triều vua Lê Thánh Tông. Do sự diễn biến theo từng thời kỳ giai đoạn lịch sử, mảnh đất kiên cường thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ này hàng năm phải đối mặt, chống chọi với thiên tai cũng đã từng trải qua nhiều lần sáp nhập, chia tách với các tên gọi và địa giới khác nhau để rồi đến đầu năm 1997 đơn vị hành chính tỉnh Quảng Nam được tái lập, đi vào củng cố bộ máy điều hành, tổ chức hoạt động, trong đó có Hội Đông y. Từng bước xây dựng hạ tầng cơ sở, phát triển đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội tỉnh nhà đi lên cho đến ngày hôm nay. Cũng từ đó, căn cứ các Chỉ thị, Nghị quyết, Quyết định của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Quảng Nam cũng cho ra đời các văn bản chỉ đạo về hoạt động Đông y trên dịa bàn tỉnh.

Ngày 15 tháng 12 năm 2011, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra Kế hoạch số 4602/KH-UBND “Triển khai thực hiện Quyết định số 2166/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020”. Lộ trình thực hiện gồm hai giai đoạn : Từ năm 2012 - 2015 và từ năm 2016 - 2020, đã nêu lên những yêu cầu thiết thực, cụ thể.

 Hội Đông y Quảng Nam đã qua 8 kỳ Đại hội ; với tâm huyết, sự nỗ lực của các thành viên Ban Chấp hành qua các nhiệm kỳ, từng bước đi vào nề nếp trong xây dựng, phát triển Hội đã mang lại một số kết quả đáng phấn khởi.

 Như đã trình bày ở phần trên, qua các thời kỳ, tên tuổi một số thầy thuốc giỏi, giàu lòng nhân ái tại Quảng Nam cũng chỉ được nghe truyền miệng qua các thế hệ bằng ký ức “sơ sài”, không một văn thư nào nêu lên cụ thể lưu lại. Nhưng dẫu sao đó vẫn là những dấu ấn tốt đẹp, truyền thống quí báu, vô giá về tinh thần y đức y đạo của những bậc tiền bối góp phần trong chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân trên mảnh đất yêu thương này.

 Trước khí thế sục sôi của cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hưởng ứng  sự kêu gọi của  Hội Đông y  cứu quốc Trung ương, cùng một số tỉnh bạn khu vực miền Trung, tổ chức Hội Đông y tại Quảng Nam cũng được hình thành, hoạt động, hỗ trợ ngành y tế phục vụ đồng bào tỉnh nhà trong suốt 9 năm kháng chiến. Hội Đông y lúc bấy giờ do cụ Lương Trọng Hối một danh sĩ uyên thâm Nho học, tinh tường y lý được bầu giữ chức Hội trưởng, Lương y Nguyễn Mẫn Phó hội trưởng, đã tập hợp đông đảo các tầng lớp thầy thuốc Đông y trên địa bàn tỉnh nhà gia nhập tổ chức Hội.

 Khi đất nước tạm chia cắt, dưới chế độ Sài Gòn đương thời vẫn có tổ chức Hội Đông y tại Trung ương do Đông y sĩ Đỗ Phong Thuần làm Tổng hội trưởng nhưng chỉ mang danh nghĩa của một tổ chức chứ không hoạt động mạnh mẽ.Tuy thế, các thầy thuốc Đông y từ bờ nam vĩ tuyến 17 trở vào tận đất mũi Cà Mau vẫn hành nghề tích cực, vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống về tình đồng đạo, tinh thần trách nhiệm đối với người bệnh, mặc dù hoạt động trong phạm vi cá thể. Các thành phố, tinh lỵ, thị trấn đều có cơ sở buôn bán Đông dược, phòng khám Đông y và còn có các lương y sinh sống, hành nghề rải rác tại những vùng nông thôn, đã giải quyết tình trạng đau ốm theo nhu cầu cho mọi tầng lớp nhân dân.

 Ở Quảng Nam  giai đoạn  này cụ Lương Trọng Hối  vẫn  được  chính quyền   đương thời mời cộng tác và tiếp tục giữ chức hội trưởng Hội Đông y tỉnh cho đến khi cụ qua đời vào năm 1969.

      Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước các huyện, thị, thành trong toàn tỉnh (Quảng Nam - Đà Nẵng) cũng dần hình thành tổ chức Hội và Chi hội ở xã phường. Trong đó có Hội An chúng ta.

      Hội An là một trong các địa phương của tỉnh Quảng Nam có lịch sử lâu đời về hoạt động Đông y.Tên gọi Hội An ra đời cách đây đã lâu lắm rồi nhưng cũng do sự diễn biến theo từng thời kỳ giai đoạn lịch sử, phân cấp và địa giới đã qua nhiều lần đổi thay.  Địa bàn chúng ta đang sống yên lành hôm nay là “thị xã Hội An” từ ngày   quê hương được hoàn toàn giải phóng và thành phố Hội An từ tháng 3 năm 2008.

    -Với số lượng đông đảo thầy thuốc kế thừa qua nhiều thế hệ, giàu kinh nghiệm trong khám chữa bệnh. Bên cạnh đó tại phố cổ Hội An do có đông người Việt gốc Hoa sinh sống và làm ăn bằng nghề buôn bán Đông dược với nhiều loại dược liệu, dược phẩm phong phú cùng phương pháp bào chế đa dạng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thầy thuốc trong việc khám và điều trị bệnh bằng y học cổ truyền và đáp ứng nhu cầu dùng thuốc của người dân trong mọi tình huống. 

        Khi giặc Pháp trở lại chiếm đóng trong lòng phổ cổ, toàn bộ đồng bào ta đã di tản đến các vùng tự do trong và ngoài tỉnh. Một thời gian do điều kiện cuộc sống, bắt buộc một số bà con phải hồi cư chịu sự kiểm soát của chính quyền bấy giờ, trong đó có các thầy thuốc Đông y và các gia đình buôn bán Đông dươc nhưng vẫn có một số tiếp tục sinh sống cùng bà con ta ở các vùng tự do. Gia đình buôn bán Đông dược phần lớn là của người Hoa, sau khi hồi cư thì tiếp tục phục hồi các cơ sở hoạt động mua bán cùng các thầy thuốc Đông y khám chữa bệnh cho bà con.

  Trong 9 năm kháng chiến gian khổ, đội ngũ thầy thuốc Đông y ở Hội An (có một số người không chịu sự kiểm soát của Pháp) theo sự chỉ đạo của Hội Đông y tỉnh đã hưởng ứng tham gia vào tổ chức Hội, cùng thầy thuốc Tây y chăm lo sức khỏe cho nhân dân, chia sẻ phần nào gánh nặng cho ngành y tế trong giai đoạn khó khăn bấy giờ.

  Những năm tháng Hội An nằm trong vòng tạm kiểm soát của chế độ cũ Sài Gòn, các cửa hiệu Đông dược vẫn hoạt động trong lòng phố cổ cùng các lương y, lương dược góp phần xoa dịu đau đớn cho nhân dân địa phương và đồng bào  vùng quê lân cận về đây sinh sống, lánh làn bom đạn giặc Mỹ đổ xuống tàn sát.

   Sau ngày cả miền Nam cùng với quê hương Hội An hoàn toàn giải phóng, chủ trương cải tạo công thương nghiệp được triển khai thực hiện trên toàn miền Nam, các cơ sở buôn bán Đông dược tư nhân tại Hội An được Nhà nước địa phương kêu gọi vận động hợp tác để thành lập Phòng Chẩn trị Y học Dân tộc tập thể và bầu ra Ban Chủ nhiệm để điều hành, đồng thời Ủy ban nhân dân thị xã ra quyết định thành lập Hội đồng Y học Dân tộc để  làm tham mưu cho lãnh đạo thị xã và giám sát hoạt động của Phòng Chẩn trị. Phòng Chẩn trị còn chịu sự hướng dẫn, giám sát, theo dõi của Phòng Y học Dân tộc thuộc Ty (Sở) y tế.

Ban đầu 06 cơ sở đã đầu tư vào với số lượng lớn các loại dược phẩm, dược liệu và được Ban Cải tạo qui định giá trên từng vị, theo đó bán ra cho người bệnh,   nên giá thành rất thấp. Chính vì thế đã phần nào giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn lúc bấy giờ bớt nỗi lo âu, tốn kém trong khám chữa bệnh bằng Đông y.

     Từ Hội đồng Y học Dân tộc thị xã (thành phố), theo chỉ đạo chung của Trung ương Hội, năm 1983 Hội Y học Dân tộc được hình thành (là tên gọi của Hội Đông y được đổi sau năm 1975). Nhân sự Ban chấp hành lúc bấy giờ cơ cấu phần lớn là nhân sự từ Hội đồng Y học Dân tộc chuyển sang và bổ sung một số người để tiến hành tổ chức Đại hội. Hội Y học Dân tộc xem như thay thế Hội đồng, thu hồi và đổi con dấu, chứ không có Quyết định giải thể Hội đồng.

      -Từ đó đến nay, theo chủ trương của Trung ương, tổ chức Hội được đổi tên nhiều lần. Hội An đã thực hiện đúng theo từng thời điểm của Trung ương Hội : Hội Y học Dân tộc thành Hội Y học Cổ truyền Dân tộc, rồi lại đổi là Hội Y học Cổ truyền và đến cuối năm 2000 trở lại lấy tên Hội Đông y cho đến nay.

  Trong quá trình hoạt động của Hội Đông y, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính quyền thị xã rồi đến thành phố cũng đã đề ra các Nghị quyết, Chỉ thị chỉ đạo để Hội triển khai thực hiện trên địa bàn.

 Ngày 15 tháng 12 năm 2010 Thành Ủy Hội an đề ra Chương trình số 02/CTr/TU : Thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”. Trong đó nêu lên 4 nội dung cơ bản :

    1- Mục đích, yêu cầu.

    2- Thực trạng phát triển Hội Đông y và hoạt động Đông y trên địa bàn thành phố.

    3- Các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu từ nay đến năm 2015.

    4- Tổ chức thực hiện.

  Hội Đông y thành phố đã qua VIII kỳ Đại hội. Nhiệm kỳ VII đã kết thúc vào cuối quý I/2017. Với sự nỗ lực phấn đấu của các thành viên Ban Chấp hành qua các nhiệm kỳ cùng sự hưởng ứng tham gia tích cực của đa số hội viên, Hội Đông y thành phố Hội An đã triển khai thực hiện các hoạt động mang lại ý nghĩa thiết thực. Riêng trong nhiệm kỳ VII Hội đã kết nạp thêm trên 20 hội viên mới, tác động với Chính quyền, Mặt trận xã, phường hình thành thêm 03 chi hội Đông y. số hội viên là 70 với 10 chi hội xã, phường.

 Hàng năm các thầy thuốc Đông y trên địa bàn đã khám, chữa trị bình quân trên 50 nghìn lượt bệnh nhân trong và ngoài thành phố.

Từ quí IV năm 2013 đến 2015 đã tổ chức khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho từ 30 - 40 đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già neo đơn vào ngày 24 hàng tháng, với mỗi suất từ 150 - 250 đồng do Lương Nguyễn Chí Hiếu chủ cơ sở Đông dược Hội Phố thuộc Chi hội Đông y phường Sơn Phong đầu tư thực hiện  .

   -Thực hiện tinh thần “Đền ơn đáp nghĩa - Uống nước nhớ nguồn”, hàng năm vào dịp 27/7 Hội đều tổ chức thăm viếng, tặng quà cho một số đối tượng thuộc gia đình chính sách nhưng do nguồn kinh phí của Hội còn nghèo nàn, hạn chế nên số gia đình mà Hội đến thăm viếng cũng chỉ mang tính “tượng trưng” với tất cả tấm lòng.     Riêng năm 2014, nhờ có sự liên kết của nhà thuốc Hội Phố, Công ty TNHH dược phẩm Tâm Anh Minh - Liên Đăng tại thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ được 300 suất thuốc để đến 6 xã, phường. . Mỗi suất thuốc đều trị giá 200.000đ. Như vậy, tính từ năm 2014 đến 2016 Công ty dược phẩm đã hỗ trợ tổng cộng 220 triệu đồng.

  Hoạt động Đông y ở xã, phường cũng từng bước phát triển. Đến nay toàn thể Trạm Y tế xã, phường có bộ phận khám chữa bệnh bằng Đông y ; 100% Trạm Y tế đạt tiên tiến về y học cổ truyền. Hội đã cử một số lương y tham gia phục vụ tại Trạm Y tế theo nhu cầu của địa phương. Hoạt động của các Chi hội và hội viên cơ bản đã phát huy được năng lực và đạo đức người thầy thuốc trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

  Với những thành tựu kể trên đương nhiên vẫn tồn tại những hạn chế do nhiều yếu tố khách quan mang lại. Chúng ta sẽ từng bước khắc phục, chấn chỉnh phù hợp, hoàn thiện được yêu cầu về phát triển Hội trong tình hình mới.

  Buổi gặp mặt hôm nay trong không gian ấm cúng đầy thân mật, để chúng ta ôn lại lịch sử hình thành và phát triển nền Đông y nước nhà với bao thăng trầm theo từng giai đoạn song cũng đầy tự hào, hãnh diện với truyền thống vô vàn quí giá của tiền nhân từ nghìn xưa.

    Chúng ta kính cẩn nghiêng mình để tưởng nhớ, biết ơn những thầy thuốc Đông y qua các thời kỳ đã cống hiến tài năng, trí tuệ, công sức, góp phần trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Có người đã vĩnh viễn nằm xuống trong lòng đất vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cho chúng ta có mặt hôm nay cuộc sống bình yên, hạnh phúc.

   Toàn thể hội viên Hội Đông y thành phố Hội An nguyện luôn luôn hưởng ứng và thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển nền Đông y Việt Nam nói chung, trong đó có Hội Đông y thành phố Hội An ngày càng vững mạnh đi lên để xứng đáng với truyền thống tốt đẹp nghìn đời của ông cha.

   - Các thành viên Ban Chấp hành nguyện đoàn kết một lòng, ra sức phấn đấu triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu về chăm sóc sức khỏe nhân dân bằng y học cổ truyền để đáp ứng lòng mong đợi của hội viên đã giao phó. Để không phụ lòng lãnh đạo các cấp đã quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ Hội suốt mấy chục năm qua. Để tạo niềm tin trong mọi tầng lớp nhân dân nói chung, nhân dân thành phố Hội An nói riêng. Từ đó mọi công dân sẽ sẵn sàng hợp tác xây dựng Hội Đông y, góp phần cùng ngành y tế thành phố trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng vững mạnh, vươn cao.

  -  Quá trình 77 năm hình thành và phát triển Hội Đông y Việt Nam trên chặng đường dài đầy cam go, thử thách nhưng nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự quan tâm của Chính quyền các cấp cùng sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của những người đã và đang làm nhiệm vụ trong lĩnh vực y học cổ truyền, Hội Đông y trên cả nước đã tổ chức các hoạt động mang lại những thành quả đáng trân trọng.

 Trung ương Hội Đông y Việt Nam đã trải qua 14 kỳ Đại hội. Tổ chức Hội ở các cấp không ngừng lớn mạnh, số hội viên tăng lên rất nhiều ; chuyên môn, tay nghề của cán bộ, hội viên được nâng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển, đi lên của xã hội. Hệ thống khám chữa bệnh bằng Đông y công lập cũng như tư nhân cơ bản đã đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

  Thực hiện tốt công tác kế thừa, phát huy truyền thống Đông y, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Kết hợp chặt chẽ giữa y học cổ truyền và y học hiện đại cùng ngành y tế tăng cường chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao sức khỏe, đời sống của người dân trên mọi vùng miền của tổ quốc, trong đó có mảnh đất và con người Hội An thân thương của chúng ta.

 

                                                    Bài viết của Lương y Trương Tổng

                                           (Nguyên chủ tịch Hội Đông y nhiệm kỳ VI & VII) 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                    HỘI ĐÔNG Y  T.P.HỘI AN TRONG TÌNH HÌNH MỚI

                         VÀ PHƯƠNG HƯỚNG ĐẾN CUỐI NĂM 2023

 

- Đô thị cổ Hội An, từ thế kỷ XVI, XVII, từng là tụ điểm của ngành Đông y ở Đàng Trong. Hàng hóa xuất nhập tại đây có nhiều loại dược liệu quý, thường được gọi bằng cái tên dân dã là thuốc Bắc nếu nhập từ Trung Quốc, hoặc thuốc Nam nếu là hàng nội địa. Vào thời kỳ ấy, dọc các đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Hoàng Văn Thụ, Lê Lợi . Nơi đây, xưa kia trên nhiều dãy phố đều có tiệm thuốc  Đông y  những cửa hiệu như: Triều Phát hiệu, Xuân Sanh đường, Hoà Xuân đường, Duy Ích đường, Minh Đức đường cùng với nhiều thầy thuốc giỏi, có kinh nghiệm trong việc hành y như thầy Mười (hiệu Triều Phát), thầy Chấn Nam Thành (nhà Phi Yến), thầy Ba Chung, thầy Trương Hùng Cơ…

     Ngày nay Hội an là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam.  Ngành Đông y cổ truyền ở Hội An đã qua VIII nhiệm kỳ hoạt động,đến nay vẫn được trân trọng, duy trì, ngày càng có xu hướng phát triển và có uy tín lớn không những đối với nhân dân địa phương mà còn đối với khá nhiều du khách từng bắt mạch bốc thuốc chữa bệnh trên địa bàn 

    Năm đầu tiên BCH nhiệm kỳ VII với 15 Thành viên được thành lập , Hội Đông y Hội An  có 61 hội viên sinh hoạt tại 8 chi hội, gồm: 1 bác sĩ, 3 Lương Y đa khoa; 15 Lương y chuyên khoa nội,30 Lương Y thừa kế; 3 Lương y châm cứu;  3 lương dược ;3 y sĩ định hướng YHCT và 3 trung cấpYHCT. .

   Bước sang nhiệm kỳ VIII ( 2023-2028)

+ Tổng số chi hội Đông y tại các xã, phường là : 12/13. Trong đó có  Cửa Đại  chưa hình thành được Chi hội .

+ 100% Trạm y tế có lương y hoặc y sĩ y học cổ truyền, phục vụ.

+ 12/13 Trạm y tế có triển khai bộ phận Đông y hoạt động chăm sóc SKND.

Ban chấp hành có tổng số thành viên là : 15. Trong đó Ban Thường trực : 05

Đã thực hiện nghiêm chỉnh điều lệ sinh hoạt định kỳ và tổ chức các cuộc họp bất thường triển khai công tác đột xuất trong Ban chấp hành đến các chi hội cơ sở.

Tổng số hội viên là : 50

Trong tổng số hội viên theo trình độ chuyên môn như sau :

           Bác sĩ CKI     :   01

           Bác sĩ YHCT  ;  01

           Y sĩ YHCT      08

           Y sĩ đa khoa     02

            Lương y         :  30

           Thừa kế          :   08

 

Hiện nay tổng số phòng chẩn trị (phòng khám Đông y) là : 22

Trong đó có 08 phòng khám tư nhân

Số cửa hàng Đông dược : 05 

Để có cơ sở cho việc triển khai thực hiện các hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực đồng thời có biện pháp khắc phục những tồn tại hạn chế trong thời gian đến. Hội Đông y Thành phố Hội An đề ra phương hướng nhiệm vụ đến cuối năm 2023 gồm các nội dung sau :

 + Thực hiện đầy đủ thủ tục công tác sau Đại hội như : Tờ trình đề nghị phê duyệt điều lệ Hội Đông Y thành phố làm cơ sở sau này xin xác nhận vào Hội Đặc thù.

+ Phấn đấu hình thành thêm Chi hội cơ sở : Do số lượng Hội viên chưa đúng tiêu chuẩn nên chưa hoàn thành được chi hội Cửa Đại , Vậy kêu gọi những người có tâm huyết tham gia vào và thành lập Chi hội mới.

+ Duy trì nề nếp sinh hoạt định kỳ từ Thành Hội đến Chi hội.

+ Chấn chỉnh, dàn xếp văn phòng Hội hợp lý, đảm bảo mỹ quan nơi công sở,

thuận tiện cho việc sinh hoạt, hội họp. Làm lại biển hiệu của Hội.

+ Đề nghị UBND thành phố quan tâm tạo mới văn phòng Hội , thành lập phòng chẩn trị nhằm tăng phần công tác phục vụ cho nhân dân .

+ Đề nghị Tỉnh Hội tổ chức tập huấn công tác nghiệp vụ cho các thành viên BCH.

+ Kêu gọi gia nhập và kết nạp hội viên.

+ Vận động con em hội viên tiếp tục đăng ký theo học các lớp chuyên về Đông y do các trường tuyển sinh.

+ Tổ chức sinh hoạt mạn đàm, trao đổi kinh nghiệm từ BCH Thành hội đến Chi hội.

+ Có kế hoạch tổ chức giao lưu giữa các Chi hội về cách tổ chức sinh hoạt.

+ Có kế hoạch phối hợp ngành y với Hội tổ chức mạn đàm giữa y học hiện đại và y học cổ truyền nhằm nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong kết hợp Đông Tây y.

Phát huy hơn nữa công tác khám, chữa bệnh tại các phòng chẩn trị, ngoài điều trị bằng thuốc cần tăng cường kết hợp nhiều phương pháp không dùng thuốc để đáp ứng nhu cầu của người bệnh trong bảo vệ chăm sóc sức khoẻ bằng y học cổ truyền được đa dạng phong phủ mang lại hiệu quả cao, tạo niềm tin trong nhân dân, thể hiện sự kế thừa vốn quý của ông cha.

Tiếp tục phát huy khám, điều trị Đông y tại Trạm y tế, các Trạm y tế chưa có bộ phận Đông y hoạt động thì tạo điều kiện để triển khai. Phấn đấu năm 2024,   13/13 Trạm y tế đều có Đông y . Hưởng ứng, tham gia tích cực các công tác xã hội từ thiện do chính quyền, đoàn thể, mặt trận, Hội cũng như ngành y tế phát động đóng góp

+ Duy trì thu, nộp hội phí đúng & đủ

+ Kêu gọi tinh thần tự nguyện hảo tâm đóng góp của hội viên và các cơ quan tổ chức có tâm huyết với Hội.

+ Long trọng Tổ chức kỷ niệm 77 năm  ngày thành lập Hội Đông Y Việt Nam (22/8/1946-22/8 /2023)

+ Thăm hỏi, động viên kịp thời những gia đình hội viên gặp ốm đau, hoặc gặp sự cố rủi ro, thể hiện cao tinh thần tương thân tương ái của tổ chức Hội.

 

                                                              HỘI ĐÔNG Y THÀNH PHỐ HỘI AN





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét