Hải Thượng Lãn Ông tên húy là Lê Hữu Trác tên thường là Lê Hữu Chẩn, là một đại y tôn của nước ta. Sinh ngày 12/11/1724 năm Giáp Thìn về cuối đời Hậu Lê, ở thôn Văn Xá, làng Lưu sXá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương, (nay là thôn Thanh Xá, xã Hoàng Hữu Nam, huyện Yên Mỹ, Hải Hưng). Mất ngày rằm tháng Giêng năm Tân Hợi, niên hiệu Quang Trung thứ 4 (1791) tại xã Tình Diễm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Cha là Lê Hữu Mưu đỗ tiến sĩ, làm Thượng Thư đời Lê Dụ Tôn, mẹ quê ở Bàu Thượng, làng Tình Diễm, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Hồi nhỏ theo cha đi học ở Thăng Long, năm 1739 cha mất, lớn lên gặp thời loạn, vua Lê hư vị, Chúa Trịnh lộng quyền, các nơi đều nổi dậy chống đối, có phen Lãn ông cũng ra cầm quân dẹp loạn, nhưng vì chán ghét cuộc chém giết tương tàn ấy, nên nhân có tin người anh ở Hương Sơn mất, ông bèn viện cớ về quê nuôi mẹ. Nhân bị đau ốm, Lãn ông mới tìm đến vị Lương y Trần Độc ở núi Thành, xã Hương Cần, huyện Thanh Chương, Nghệ An để chữa bệnh. Trong thời gian ở đó hơn 2 năm, Lãn ông đã nghiên cứu các sách y học kinh điển nhất là bộ Phùng Thị Cẩm Nang và cùng họ Trần bàn luận về y học. Bấy giờ có Hải Quận Công biết Lãn Ông văn võ kim toàn muốn mời ra cầm quân lần nữa, nhưng vì chán ghét chiến tranh, không ham danh lợi Lãn Ông đã cương quyết chối từ, trở về Hương Sơn nghiên cứu y học và chữa bệnh. Năm 1760, mẹ mất, lúc đó tuy mới 35 tuổi đã nổi tiếng là danh y, ngoài việc chữa bệnh, Hải Thượng Lãn Ông đã mở lớp dạy cho đồ đệ. Suốt hai mươi mấy năm lưu tâm nghiên cứu, đem hết tài năng và tinh thần tận tụy chữa bệnh và giảng dạy. Hải Thượng đã lĩnh hội được nguyên lý uyên thâm của Đông y, thu lượm bao kinh nghiệm phong phú về chẩn trị, đúc kết lại thành một hệ thống kết hợp chặt chẽ lý luận với thực tiễn lâm sàng trong một tác phẩm rất lớn và rất có giá trị là bộ Y Tông Tâm Lĩnh. Ngoài ra lại còn viết tập”Vệ Sinh Yếu Quyết” và một bản gọi “Nữ Công Thắng Lãm”. Năm 1782, đời Lê Hiến Tông, Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 43, bấy giờ đã ngoài 60 tuổi Hải Thượng bị triệu về Kinh để chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán con Chúa Trịnh Sâm. Ở triều đình, bị các ngự y ganh tị gièm pha, mãi sau Hải Thượng mới được phép chữa nên không có kết quả. Nhân ở kinh đô một năm ông tìm mọi cách để in bộ sách của mình nhưng không thành công, lại có ý tìm lại các vị danh y tại đó để trao đổi học thuật nhưng chỉ thu lượm được một số bài thuốc kinh nghiệm hoặc gia truyền. Hải Thượng đã kể lại cuộc hành trình này ở tập Thượng Kinh Ký Sự, một tài liệu văn học có giá trị phản ánh đời sống của xã hội Việt Nam hồi đó. Lãn Ông trở về Hương Sơn tiếp tục nghiên cứu, chữa bệnh, giảng dạy và hoàn thành bộ Y Tông Tâm Lĩnh, bộ sách Đông y lớn nhất và quí nhất ở nước ta: gồm 63 cuốn (nay chỉ còn 55 cuốn) do Vũ Xuân Hiên thu thập lại và đem in năm 1866. Nội dung bao gồm y lí, chẩn trị, phương dược, trình bày có hệ thống, kết hợp lý luận với thực tiễn, phân tích chứng minh rõ ràng, như bàn về Thủy Hỏa thì có cuốn Huyền Tẩn Phát Vi, bàn về khí huyết có cuốn Khôn Hóa Thái Chân, trị các bệnh ngoại cảm thì có Ngoại Cảm Thông Trị, biện biệt tạp chứng thì có Bách Bệnh Cơ Yếu, chẩn đoán thì có Y Gia Quan Miện, biện luận thì có Đạo Lưu Dư Vận, vận khí có Vận Khí Bí Điển ... cho đến các loại phụ khoa (Phụ Đạo Xán Nhiên), nhi khoa (Ấu Ấu Tu Tri) đều viết một cách tinh thông, giầu kinh nghiệm. Tuy chịu ảnh hưởng của y học Trung Hoa nhất là Phùng Thị nhưng Lãn Ông đã có óc sáng tạo vận dụng y lí hợp với hoàn cảnh khí hậu và thể chất của người Việt Nam và đã sử dụng thuốc Nam để chữa bệnh, như ở các cuốn Lĩnh Nam Bản Thảo, Bách Gia Trân Tàng và Hành Giản Trân Nhu. Nhận định về Lĩnh Nam không có thương hàn, Lãn Ông đã lập ra nhiều phương thang mới ghi ở cuốn Ngoại Cảm Thông Trị. Đặc biệt trong 2 cuốn Dương Án và Âm Án, ghi lại những y án và phân tích về những bệnh đã chữa khỏi hoặc không chữa được. Cuốn Châu Ngọc Cách Ngôn để lại cho chúng ta những điều căn dặn rất bổ ích về chẩn đoán trị liệu và những sai lầm tai hại cần tránh. Ông tự đặt ra cho người thầy thuốc chân chính tám chữ “Nhân - Minh - Đức - Trí - Lượng - Thành - Khiêm - Cần (tức là nhân ái, sáng suốt, đức độ, hiểu biết, rộng lượng, thành thực, khiêm tốn, cần cù), đồng thời tránh 8 tội: lười biếng, keo kiệt, tham lam, dối trá, dốt nát, bất nhân, hẹp hòi, thất đức. Ông kịch liệt phê phán những người lợi dụng ngành y để mưu lợi: “hoặc bắt bí người ta trong đêm mưa gió khó khăn... bệnh dễ thì trộ là bệnh khó, bệnh khó thì dọa là bệnh chết, dối mình để mưu cầu cho mình... Đối với kẻ giàu sang thì sốt sắng để mong được lợi; đối với người nghèo khó thì lạnh nhạt, thờ ơ...”. Thân thế và sự nghiệp của Lãn Ông đã có một ảnh hưởng rất lớn đối với giới Đông y Việt Nam cả về mặt đạo đức và chuyên môn. Nhân gần đây có nhiều vấn đề về đạo đức của người làm nghề y được công luận bàn nhiều, đọc lại 12 điều y đức thấy nó chẳng giống nước ngoài mà nó cũng chẳng giống truyền thống của ta, để các bạn có cái nhìn toàn diện về vấn đề này, Sau đây xin trích 8 tội cần tránh của người thầy thuốc 1. Có bệnh nên xem xét đã rồi mới bốc thuốc mà vì ngại đêm mưa vất vả, không chịu đến thăm mà đã cho thuốc, đó là tội LƯỜI.
2. Có bệnh nên uống thứ thuốc nào đó mới cứu được nhưng sợ người bệnh nghèo túng, không trả được vốn, nên chỉ cho loại thuốc rẻ tiền, đó là tội BỦN XỈN.
3. Khi thấy bệnh chết đã rõ, không nói thật mà lại nói lơ mơ để làm tiền, đó là tội THAM.
4. Thấy bệnh dễ chữa, nói dối là khó, le lưỡi, chau mày, dọa cho người ta sợ để lấy nhiều tiền, đó là tội LỪA DỐI.
5. Thấy bệnh khó, đáng lý phải nói thật rồi hết sức cứu chữa nhưng lại sợ mang tiếng là không biết thuốc, vả lại, chưa chắc đã thành công, mà đã như vậy thì không được hậu lợi, nên kiên quyết không chịu chữa đến nỗi người ta bó tay chịu chết, đó là tội BẤT NHÂN.
6. Có trường hợp người bệnh ngày thường có bất bình với mình, khi họ mắc bệnh phải nhờ đến mình, liền nẩy ra ý nghĩ oán thù, không chịu chữa hết lòng, đó là tội HẸP HÒI.
7. Lại như thấy người mồ côi, góa bụa, người hiền, con hiếm, mà nghèo đói ốm đau thì cho là chữa mất công vô ích, không chịu hết lòng, đó là tội THẤT ĐỨC. 8. Lại như xét bệnh còn lờ mờ, sức học còn non đã cho thuốc chữa bệnh, đó là tội DỐT NÁT.
Hải Thượng Lãn ông đã đề ra
9
ĐIỀU Y HUẤN CÁCH NGÔN
1-
Phàm người học thuốc, tất phải hiểu
thấu lý luận đạo Nho, có thông lý luận đạo
Nho thì học thuốc mới dễ. Khi có thời giờ
nhàn rỗi, nên luôn luôn nghiên cứu các sách thuốc xưa
nay. Luôn luôn phát huy biến hóa, thu nhập được
vào Tâm, thấy rõ được ở mắt thì tự
nhiên ứng vào việc làm mà không phạm sai lầm.
2-
Được mời đi thăm bệnh : nên tùy
bệnh cần kíp hay không mà sắp đặt đi thăm
trước hay sau. Chớ nên vì giàu sang hoặc nghèo hèn mà
nơi đến trước chỗ tới sau hoặc
bốc thuốc lại phân biệt hơn kém khi lòng mình có
chỗ không thành thật, thì khó mong thu được
kết quả.
3-
Khi xem bệnh cho phụ nữ, góa phụ, ni cô... cần
phải có người nhà bên cạnh mới bước vào
phòng để thăm bệnh để tránh hết
sự nghi ngờ. Dù cho đến con hát, nhà thổ cũng
vậy, phải đứng đắn coi họ như con
nhà tử tế, không nên đùa cợt mà mang tiếng
bất chính, sẽ bị hậu quả về tà dâm.
4-
Phàm thầy thuốc nên nghĩ đến việc giúp
đỡ người, không nên tự ý cầu vui như
mang rượu lên núi, chơi bời ngắm cảnh,
vắng nhà chốc lát, lỡ có bệnh cấp cứu làm
cho người ta sốt ruột mong chờ, nguy hại
đến tính mạng con người. Vậy cần
biết nhiệm vụ mình là quan trọng như thế nào"
5-
Phàm gặp phải chứng bệnh nguy cấp, muốn
hết sức mình để cứu chữa, tuy đó là lòng
tốt, nhưng phải nói rõ cho gia đình người
bệnh biết trước rồi mới cho thuốc.
Lại có khi phải cho không cả thuốc, như thế
thì người ta sẽ biết cảm phục mình.
Nếu không khỏi bệnh cũng không có sự oán trách
và tự mình cũng không hổ thẹn.
6-
Phàm chuẩn bị thuốc thì nên mua giá cao để
được loại tốt. Theo sách Lôi Công để bào
chế và bảo quản thuốc cho cẩn Thận.
Hoặc theo đúng từng phương mà bào chế,
hoặc tùy bệnh mà gia giảm. Khi lập ra phương
mới, phải phỏng theo ý nghĩa của người
xưa, không nên tự lập ra những phương
bữa bãi để thử bệnh. Thuốc sắc và
thuốc tán nên có đủ. Thuốc hoàn và thuốc
đơn nên chế sẳn. Có như thế mới
ứng dụng được kịp thời, khi gặp
bệnh khỏi phải bó tay.
7-
Khi gặp bạn đồng nghiệp, cần khiêm
tốn, hòa nhã, giữ gìn thái độ kính cẩn, không
nên khinh nhờn. Người lớn tuổi hơn mình thì
kính trọng; người học giỏi thì coi như
bậc thầy, người kiêu ngạo thì mình nhân nhượng;
người kém mình thì dìu dắt họ. Giữ được
lòng đức hậu như thế, sẽ đem lại
nhiều hạnh phúc cho mình.
8-
Khi đến xem bệnh ở những nhà nghèo túng
hoặc những người mồ côi, góa bụa,
hiếm hoi, càng nên chăm sóc đặc biệt. Vì
những người giàu sang không lo không có người
chữa, còn người nghèo hèn thì không đủ
sức đón được thầy giỏi, vậy ta
để tâm 1 chút họ sẽ được sống 1
đời. Còn như những người con thảo,
vợ hiền, nghèo mà mắc bệnh, ngoài việc cho
thuốc, lại còn tùy sức mình chu cấp cho họ
nữa. Vì có thuốc mà không có ăn thì cũng vẫn
đi đến chỗ chết. Cần phải cho họ
được sống toàn diện mới đáng gọi
là nhân thuật. Còn những kẻ vì chơi bời phóng
đãng mà nghèo và mắc bệnh thì không đáng thương
tiếc lắm.
9-Khi
chữa cho ai khỏi bệnh rồi, chớ có mưu
cầu quà cáp vì những người nhận của người
khác cho thường hay sinh ra nể nang, huống chi đối
với những kẻ giàu sang, tính khí bất thường
mà mình cầu cạnh, thường hay bị khinh rẻ. Còn
việc tâng bốc cho người ta để cầu
lợi thường hay sinh chuyện. Cho nên nghề
thuốc là thanh cao, ta càng giữ khí tiết cho trong
sạch. Tôi xét lời dạy bảo của các bậc tiên
hiền về lòng tử tế và đức hàm dục, rèn
luyện cho mình rất chặt chẽ và đầy đủ.
Đạo làm thuốc là 1 nhân thuật chuyên bảo
vệ sinh mạng con người, phải lo cái lo của
người và vui cái vui của người, chỉ
lấy việc cứu sống mạng người làm
nhiệm vụ của mình, không nên cầu lợi, kể
công. Tuy không có sự báo ứng ngay nhưng để
lại âm đức về sau. Phương ngôn có câu :
"Ba đời làm thuốc có đức thì đời
sau con cháu tất có người làm nên khanh tướng"
đó phải chăng là do có công vun trồng từ trước
chăng" Thường thấy người làm thuốc,
hoặc nhân bệnh cha mẹ người ta ngặt nghèo
hoặc bắt bí người ta lúc đêm tối,
trời mưa, có bệnh nguy cấp : bệnh dễ
chữa bảo là khó chữa, bệnh khó bảo là không
trị được, giở lối quỷ quyệt đó
để thỏa mãn yêu cầu, rắp tâm như thế
là bất lương. Chữa cho nhà giàu thì tỏ tình
sốt sắng, mong được lợi nhiều,
chữa cho nhà nghèo thì ra ý lạnh nhạt, sống
chết mặc bay. Than ôi! Đem nhân thuật làm chước
dối lừa, đem lòng nhân đổi ra lòng mua bán, như
thế thì người sống trách móc, người
chết oán hờn không thể tha thứ được!".
Bộ sách Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển, nội dung gồm:
1. Tập đầu: Có bài tựa, Phàm lệ mục lục và Y nghiệp phần chương nói về nghề y, thái độ tư cách, khái quát bộ sách và tập thơ Y Lí Thâu Nhàn.
2- Tập Nội Kinh Yếu Chỉ: nêu khái yếu về cuốn kinh điển Nội kinh.
3. Tập Y Gia Quan Miện: Khái niệm về Âm dương, Ngũ hành, quẻ số, can chi, mạch yếu.
4. Tập Y Hải Cầu Nguyên: Soạn những lời thiết yếu của các tiên hiền, chú giải kỹ để làm rõ những điều huyền bí.
5. Tập Huyền Tẫn Phát Vi: Nói rõ công dụng mở đầu của ‘Tiên thiên’, máy Âm dương, khiếu Thủy Hỏa và cách phân biệt chứng trạng, dùng thuốc.
6- Tập Khôn Hóa Thái Chân: gồm có công dụng nuôi sống của ‘Hậu thiên’ nguồn gốc của khí huyết, cách luận bệnh xử phương.
7- Tập Đạo Lưu Dự Vận: đem các ý nghĩ còn nghi hoặc, chưa rõ nghĩa trong các sách, cùng với những chỗ người xưa chưa nói đến để biện luận rõ ràng mà bổ sung vào những chỗ còn thiếu sót.
8. Tập Vận Khí Bí Điển: chọn lấy bài phú Chiêm Vận, phong giác của họ Vương và thiên Ngọc Lịch, ngũ hành, chia ra cách xem mây, xem gió, chủ vận, khách vận, chủ khí, khách khí, lập thành từng cách nghiệm đoán.
9. Tập Dược Phẩm Vậng Yếu: chọn lấy 150 vị thuốc thường dùng trong Bản thảo, chia làm 5 bộ để tiện tra khảo.
10- Tập Lĩnh Nam Bản Thảo: soạn các vị thuốc cây cỏ ở Lĩnh Nam (bao gồm Việt Nam và miền Nam Trung quốc), chia thành môn loại, chú thích tính chất, cách chữa, cách thu hái...
11- Tập Ngoại Cảm Thông Trị bàn về nước Nam ta không có bệnh thương hàn, mắc bệnh ngoại tà, đều là bệnh cảm mạo, tác giả không theo hình chứng lục kinh của Thương hàn luận nhưng Lãn Ông đã sáng chế ra 3 phương giải Biểu, 6 phương hòa Lý để chữa tất cả các bệnh ngoại cảm.
12- Tập Bách Bệnh Cơ Yếu: chọn lấy các bệnh, môn trong sách kinh điển, xét nguyên nhân, cơ chế bệnh, phân biệt chứng trạng hư thực, tiên lượng cách chữa, xử phương, dụng dược.
13. Tập Y Trung Quan Miện: soạn những điều hay mà tác giả đã lĩnh hội được ý nghĩa sâu sắc, những điểm cốt yếu.
14. Tập Phụ Đạo Xán Nhiên" chọn lọc trong các sách Phụ khoa những vấn đề về kinh nguyệt, đới hạ, thai, sản... lấy những điểm thiết thực cốt yếu, bỏ chỗ rườm rà… đồng thời bổ sung thêm những ý kiến của tác giả.
15. Tập "Tọa Thảo Lương Mô", tác giả thấy trong nhiều sách trước đó về Sản khoa viết rườm rà, được điều nọ, mất điều kia nên ông soạn, sắp xếp lại, bổ sung hoàn chỉnh hơn.
16. Tập Ấu Ấu Tu Tri: tác giả thấy trong nhiều sách Nhi khoa trước đó viết rời rạc, không thống nhất nên tác giả đã soạn lại, xét nguyên nhân cơ chế bệnh sinh, phân biệt chứng trạng cách chữa, xử phương làm chỗ cốt yếu và thêm phần tâm đắc.
17. Tập Mộng Trung Giác Đậu: trình bày đầy đủ các kiến thức về bệnh Đậu... và bổ sung thêm kinh nghiệm đặc sắc phong phú.
18. Tập Ma Chẩn Chuẩn Thằng: soạn các phương pháp và kinh nghiệm tâm đắc trong điều trị bệnh sởi.
19. Tập Tâm Đắc Thần Phương: trong khi lâm lâm sàng, tác giả đã hết sức suy nghĩ chọn ra nhiều phương thuốc thần diệu trong Phùng Thị Cẩm Nang.
20. Tập "Hiệu Phỏng Tân Phương: trong khi lâm sàng tác giả đã hết sức suy nghĩ lập ra nhiều phương thuốc đáp ứng với tình thế khó khăn.
21. Tập Bách Gia Trân Tàng: tiếp thu bí phương của ông ngoại truyền lại cùng thu thập các phương thuốc quý, chữa được nhiều trường hợp khó.
22. Tập Hành Giản Trân Nhu: chọn lấy các bài thuốc có những vị thuốc Nam, thuốc Bắc thông thường, dễ kiếm, tiện dùng.
23. Tập Y Phương Hải Hội: tập hợp soạn các thang tễ, hoàn tễ trong các sách, rườm rà thì giảm đi, thiếu thì bổ sung thêm.
24. Tập Y Án, Dương Án: Tập hợp tâm đắc suy nghĩ về những trường hợp nguy nan mà chữa thành công.
25. Tập Y Án, Âm Án: tập hợp những bệnh án bệnh nặng, khó, tình thế tuyệt vọng dù cố hết sức mà không kết quả để rút kinh nghiệm.
26. Tập Truyền Tâm Bí Chỉ hoặc còn gọi là Châu Ngọc Cách Ngôn, biện luận rõ ràng đầy đủ những nghĩa lý sâu xa trong sách, những chỗ tinh hoa của y thuật.
27. Tập Vĩ. (cuối) là cuốn Thượng Kinh Ký Sự, thuật lại cuộc lên kinh thành chữa bệnh cho Chúa Trịnh. Chỉ với giá trị sử học, văn học của cuốn ký sự này đã làm cho sự nghiệp văn hóa của Hải Thượng Lãn ông nổi danh không kém gì sự nghiệp y học của tác giả. Về sau đă thu thập được nốt 2 cuốn là Nữ Công Thắng Lãm và Vệ Sinh Yếu Quyết. 28. Tập của Pho Sách Bách Khoa Thư về Đông y "Lãn ông tâm lĩnh" là 28 viên ngọc quý, 28 vị sao (nhị thập bát tú) của bầu trời Y học phương Đông.
COMIN TỔNG HỢP